Số liệu công bố mới nhất của Bộ NNPTNT cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%.
Theo đó, có 7 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Trong đó, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu (Gạo 4,68 triệu tấn, tăng 10,4%, giá trị 2,98 tỷ USD, tăng 32%; hạt điều 350.000 tấn, tăng 24,9%, giá trị 1,92 tỷ USD, tăng 17,4%); Cà phê tuy giảm về khối lượng, đạt 902.000 tấn, giảm 10,5%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD, tăng 34,6%.
Về thị trường xuất khẩu: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.
Để đạt được kết quả này, Bộ NNPTNT cho biết đã tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu NLTS sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi… Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu NLST tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.
Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP 3,5%.
Xuất khẩu rau quả tiếp tục cho thấy sự “bùng nổ” khi đạt 3,5 tỷ USD. Chỉ tính riêng 15 ngày đầu tháng 6/2024, xuất khẩu rau quả đạt 388 triệu USD. Trong tháng 5, xuất khẩu đạt 770 triệu USD, tăng 27,5% so với tháng 4 và tăng 17,9% so với tháng 5/2023.
Sầu riêng, thanh long, chuối, nhãn… đều là những mặt hàng trái cây đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm, bên cạnh các sản phẩm chế biến. Trong khi đó, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10-50% so với cùng kỳ năm 2023.
Sầu riêng, thanh long, chuối, nhãn… đều là những mặt hàng trái cây đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm, bên cạnh các sản phẩm chế biến. Trong khi đó, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10-50% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục thuận lợi, nhờ nhu cầu tăng tại thị trường truyền thống Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan…Trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường này nửa năm 2024 đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực
Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, ước đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc ước đạt 150 triệu USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 123,5 triệu USD trong 5 tháng, tăng 32,4% so với cùng kỳ, ước 6 tháng đạt 150 triệu USD. Với nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 2 thế giới, Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, để đưa các sản phẩm vào Hoa Kỳ thì cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ theo hướng bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp để có thể tiêu thụ quanh năm; ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây.
Nguồn: Dân việt
https://danviet.vn/xuat-khau-nong-san-6-thang-tren-29-ty-usd-co-7-san-pham-xuat-khau-dat-ty-usd-20240628111049526.htm