Mới đây, trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai hồ hởi khoe rằng: Dù phải đến tháng 8 sầu riêng của công ty mới bắt đầu cho thu hoạch nhưng ngay từ tháng 5 đã có nhiều thương lái, doanh nghiệp của Trung Quốc đánh tiếng hỏi mua với giá cao.
Thông tin này đủ cho thấy dù chỉ mới bắt đầu mùa thu hoạch sầu riêng ở Tây Nguyên nhưng thị trường đã “nóng” đến độ nào. “Cơn ghiền” sầu riêng của người Trung Quốc, cộng với Nghị định thư về việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đưa sầu riêng trong phút chốc trở thành loại quả tỷ đô.
Theo ngân hàng HSBC, những năm gần đây, nhu cầu sầu riêng toàn cầu tăng 400% chủ yếu nhờ sức mua tăng từ Trung Quốc. Với người Trung Quốc, sầu riêng là món quà thượng hạng, là biểu tượng của sự sang trọng và bữa tiệc của vị giác.
Thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy, lượng nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 5.394,6 USD/tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu sầu riêng từ Trung Quốc “có thể tăng gấp 15 lần trong tương lai”, tờ South China Morning Post dẫn nguồn từ một dự báo.
Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam từ năm 2023 đến nay ghi nhận sự “bùng nổ” bằng rất nhiều năm cộng lại. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đã đạt trên 111.600 tấn, trị giá trên 470 triệu đô la Mỹ, tăng 124,6% về lượng và 145,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng đến 91,93% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sầu riêng Việt.
Nhưng “cơn ghiền” sầu riêng của Trung Quốc, sự bùng nổ về con số xuất khẩu cũng như giá sầu riêng cũng đã khiến ngành hàng này bộc lộ những bất cập mà nếu không sớm khắc phục, có thể để lại những hệ lụy không nhỏ.
Mới đây, một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sầu riêng đã quyết định kiện một nhà vườn ở Bình Thuận ra tòa sau khi nhà vườn này “hủy kèo” trong việc mua bán sầu riêng với doanh nghiệp.
Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên một nhà vườn trồng sầu riêng vướng phải một vụ kiện như thế này, nhưng đằng sau đó cũng cho thấy sự lỏng lẻo trong một mối quan hệ làm ăn mà đáng lẽ sự bền chặt, trước sau như một phải được đặt lên hàng đầu.
Nhưng câu chuyện của trái sầu riêng không chỉ dừng lại ở việc mua – bán khi chưa đủ độ tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng cơm mà đằng sau sự phát triển quá “nóng” của một ngành hàng còn là những bất cập đã và đang phát sinh trong quá trình xây dựng, giám sát mã số vùng trồng; là sự “bùng nổ” về diện tích mà nếu không có những điều chỉnh kịp thời thì rất có thể rơi vào nguy cơ “vỡ trận” như bài học của nhiều loại cây trồng trước đó.
Đơn cử như tại Đắk Lắk – nơi được coi là “thủ phủ” sầu riêng của Tây Nguyên, tính đến tháng 5/2024, tỉnh này đã có hơn 32.000ha sầu riêng, vượt xa con số thống kê giữa năm 2023 là 22.458 ha. Còn trên phạm vi cả nước, năm 2023, diện tích sầu riêng đã đạt 110.000ha, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn (gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018).
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk tỏ ra e ngại, bởi nếu không có sự đánh giá, kiểm soát, bảo đảm cân đối sản xuất và thu hoạch, nhất là vấn đề canh tác của nông dân, sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ về thị trường, về phá vỡ quy hoạch cây trồng ở các địa phương – những nguy cơ mà trước đó nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo khi “cơn sốt” sầu riêng mới bắt đầu nhen nhóm.
Tại một hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành hàng sầu riêng, đại diện Phòng NNPTNT huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cũng thừa nhận một thực tế: Tình trạng chủ vườn chưa thực hiện đúng, chưa hiểu quyền nghĩa vụ, chưa ghi chép đầy đủ hồ sơ sản xuất. Hồ sơ quản lý mã vùng trồng còn đơn giản, lỏng lẻo, thậm chí có tình trạng, có vườn đã nằm trong mã vùng trồng nhưng chủ vườn… không biết.
Hay trong hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững do Bộ NNPTNT giao Cục Bảo vệ thực vật tổ chức mới đây, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin, dù cả nước có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp, nhưng thực tế là các địa phương chưa chủ động kiểm tra, giám sát các mã số xuất khẩu sau khi được cấp theo đúng quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt là Nghị định thư sầu riêng đã ký với Trung Quốc.
“Đây cũng là những nguyên nhân chính khiến nhiều lô hàng sầu riêng bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm trong thời gian qua và có dấu hiệu gia tăng”, ông Đạt cho biết.
So với các quốc gia sản xuất sầu riêng khác như Thái Lan, Malaysia, Philippine, Indonesia…, Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt sầu riêng trái vụ. Nhưng không có gì là vĩnh viễn. Ngày 19/6, Trung Quốc và Malaysia đã đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ bằng việc ký hàng loạt thỏa thuận, trong đó có các thỏa thuận phát triển và xuất khẩu sầu riêng.
Malaysia có lợi thế về các giống sầu riêng chất lượng cao. Đáng chú ý, nước này là quê hương của giống Musang King, được mệnh danh vua của các loại sầu riêng. Sầu riêng Malaysia có thể bán ở Trung Quốc trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm được thu hoạch nhờ xuất khẩu bằng đường hàng không.
Trong khi đó, Thái Lan vẫn đang là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang Trung Quốc và Chính phủ Thái Lan đã và đang kêu gọi các nhà xuất khẩu tìm mọi cách để tăng lượng sầu riêng tiếp cận thị trường Trung Quốc, sau khi Việt Nam lần đầu tiên vượt Thái Lan về xuất khẩu loại trái cây vua sang thị trường tỷ dân. Đó là chưa kể, Trung Quốc cũng có tham vọng tự trồng được sầu riêng.
Khi nói về sự cạnh tranh của thị trường của ngành sầu riêng, trên trang cá nhân của mình, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã dùng từ “khốc liệt”, bởi một năm đáng mừng về giá cho nông dân nhưng cũng khiến nhiều doanh nghiệp, thương lái lao đao trong cuộc đua tranh giành “miếng bánh”.
Do vậy, bà Ngô Tường Vy tại một hội nghị phát triển sầu riêng bền vững, đã đề xuất cơ chế “tách sầu riêng thành ngành hàng độc lập để có cơ chế quản lý riêng”. Lấy ví dụ từ Thái Lan- một đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, bà Ngô Tường Vy dẫn chứng: “Ở Thái Lan chỉ cần một nông dân cắt sầu riêng non bị cảnh sát kiểm tra (bất kỳ lúc nào) phát hiện, thì mã số vùng trồng đó sẽ bị thống báo trên một fanpage, ở đó có sự tham gia của lãnh sự quán Trung Quốc để xử lý”.
Có lẽ, lúc này, ngành hàng sầu riêng cần phải điều tiết được sản xuất của người nông dân, tăng cường được hiệu quả hợp tác giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh, từ đó có cơ sở quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng trồng, cây trồng hợp lý, nói cách khác cần “định tâm” lại để người nông dân và doanh nghiệp cần bình tĩnh hơn trước “cơn sốt” của hương vị đặc biệt này.
Trái thanh long từng được coi là loại trái cây tỷ đô, có thời gian từng chiếm vị trí “thượng phong” trong xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhưng sự phát triển quá “nóng” về diện tích bất chấp những cảnh báo mà chưa chú trọng đúng mức đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm đã khiến ngành hàng thanh long nhiều lúc rơi vào cảnh lao đao.
Và bài học này chưa hề cũ!
Nguồn: Dân việt
https://danviet.vn/con-sot-sau-rieng-va-noi-lo-sau-chung-20240625104610938.htm