Nguồn cung tại Việt Nam khan hiếm, giá cà phê xuất khẩu vượt đỉnh Triển vọng nguồn cung kém tích cực, giá cà phê xuất khẩu phá mốc kỷ lục |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), ngày 2/10, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm sâu trong phiên giao dịch. Trong đó, giá cà phê Arabica đánh mất gần 3% so với tham chiếu, về mức 5.654 USD/tấn, thấp nhất trong hai tuần trở lại đây; giá cà phê Robusta giảm mạnh hơn 6%, về sát 5.100 USD/tấn. Một loạt thông tin cơ bản có lợi cho mùa vụ cũng như nguồn cung cà phê đã gây áp lực lên giá.
Giá cà phê Robusta bất ngờ giảm mạnh 6% về sát 5.100 USD/tấn. |
Cơ quan dự báo thời tiết LESG cho biết, có thể hết tuần này, tình trạng hạn hán tại khu vực Đông Nam – vùng trồng cà phê chính của Brazil sẽ chấm dứt. Kể từ tuần sau, khối không khí lạnh từ phía Nam sẽ dịch chuyển dần lên vùng Đông Nam, mang theo mưa khiến nhiệt độ trung bình giảm xuống. Dự kiến trong 15 ngày, lượng mưa tại Đông Nam có thể cao hơn mức bình thường 50 mm và nhiệt độ giảm 2-4 độ C. Điều kiện thời tiết cải thiện đưa đến kỳ vọng mùa vụ cà phê tại Brazil có thể phục hồi sau chuỗi ngày khô hạn kỷ lục kéo dài.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu đang đề xuất hoãn thời gian thi hành quy định mới về việc nhập khẩu hàng hóa thêm 12 tháng. Trước đó, EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR). Quy định này cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng, bao gồm: cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.
Động thái này có thể giúp cho hoạt động thương mại cà phê vẫn ổn định trong thời gian tới khi một số nhà sản xuất cà phê vẫn đang tìm cách đáp ứng. Hơn thế, quy định EUDR thực hiện muộn hơn cũng có thể thúc đẩy các nhà nhập khẩu cà phê từ châu Âu tạm thời ngừng việc ồ ạt nhập hàng (đảm bảo đủ nguồn cung trước khi không thể nhập cà phê do quy định mới được thi hành), từ đó giúp cung – cầu cà phê trên thị trường trở lại cân bằng.
Triển vọng sản lượng và xuất khẩu cà phê tích cực hơn từ một số quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới cũng làm gia tăng sức ép lên giá cà phê trong phiên hôm qua.
Honduras, quốc gia trồng cà phê lớn nhất Trung Mỹ cho biết dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 5,37 triệu bao, tăng 14,5% so với vụ trước nhờ sản lượng tăng trong năm nay. Trước đó, chính phủ Indonesia công bố, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của nước này vượt 19.000 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Colombia, quốc gia xuất khẩu cà phê Arabica chất lượng cao lớn nhất thế giới cũng ước tính sản lượng đạt khoảng 13 triệu bao trong vụ 2024-2025, trong khi tổng lượng xuất khẩu vào khoảng 12 triệu bao, tăng 14,3% so với vụ trước.
Tại Lâm Đồng và Đắk Lắk, cà phê đã bắt đầu chín sớm. Hằng năm, khi bắt đầu thu hoạch, giá cà phê dự kiến sẽ giảm do nguồn cung tăng. Tuy nhiên, năm nay do hạn hán đã làm giảm kích thước của quả cà phê, dẫn đến việc dự kiến sản lượng giảm từ 10% đến 15%.
Do đó, giá cà phê cao giúp người trồng có thu nhập tốt hơn năm trước. Dự kiến từ cuối tháng 10/2024, khi Việt Nam vào vụ thu hoạch, sản lượng cà phê sẽ tăng và xuất khẩu có thể đạt 6 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9, Việt Nam xuất khẩu được 1,07 triệu tấn cà phê với giá trị 4,13 tỷ USD. Mặc dù giảm 12% về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại tăng tới 35,8% so với cùng kỳ.
Tác động đến sự chênh lệch trên là do giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam từ đầu năm 2024 đến ngày 15/9 đã tăng thêm 54,7% so với cùng kỳ, từ 2.476 USD/tấn tại kỳ trước lên 3.833 USD/tấn tại kỳ này.
Về mùa vụ, Việt Nam hiện đang bắt đầu thu hoạch với dự báo khả quan. Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cà phê khảo sát vùng trồng cho thấy nhờ giá cà phê tăng cao thời gian qua nên nhà vườn tập trung chăm sóc tốt.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk), dù bị ảnh hưởng bởi khô hạn vào đầu năm khiến năng suất cà phê giảm nhưng mức giảm ở khoảng 5-10%, không quá nghiêm trọng. Trước đó, một số dự báo nói rằng Việt Nam có thể hụt từ 10-20% sản lượng do mất mùa và diện tích trồng bị thu hẹp.
Giá cà phê xuất khẩu Robusta bất ngờ giảm mạnh. Ảnh: TH |
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam vừa công bố những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam trong quý III, cà phê Robusta xếp thứ thứ 4 và 6,8% tổng khối lượng giao dịch. Cà phê Arabica cũng quay trở lại đường đua và chốt lại bảng xếp hạng top 10 mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam quý III với tỉ trọng 5,1%.
Quý IV năm nay, nhiều chuyên gia đều nhận định rằng giá cả hàng hóa sẽ biến động mạnh do nhiều yếu tố khó đoán xuất hiện trên thị trường như: căng thẳng địa chính trị gia tăng, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan…
Với mặt hàng cà phê, nhìn chung giá vẫn sẽ tiếp tục được duy trì và neo ở mức cao hơn so với cùng kỳ các năm trước do nguồn cung từ hai thị trường sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam dự kiến đều sụt giảm do thời tiết ảnh hưởng nặng nề lên mùa vụ, chất lượng cây trồng và sản lượng thu hoạch. Trong khi đó, diễn biến thời tiết tại Mỹ và khu vực Nam Mỹ cũng đóng vai trò ảnh hưởng quan trọng lên đồ thị giá nông sản trong thời gian tới.
Nguồn: Báo công thương
https://congthuong.vn/gia-ca-phe-robusta-xuat-khau-bat-ngo-giam-manh-349922.html