Thị trường hồ tiêu và cà phê vừa trải qua đợt tăng giá mạnh. Theo đó, giá cà phê chạm mốc kỷ lục gần 120.000 đồng/kg. Còn hồ tiêu vượt mức 100.000 đồng/kg sau thời gian dài chịu cơn khủng hoảng, có lúc chỉ khoảng trên 30.000 đồng/kg vào năm 2021.
Thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu lớn là nguyên nhân chính khiến giá hai mặt hàng này tăng mạnh. Với cây tiêu và cà phê, sau thời gian dài chịu khủng hoảng giá, người dân đã chặt bỏ khá nhiều để chuyển sang các loại cây khác. Ngoài ra, thời tiết xấu cũng đã tác động đến sản lượng.
Tuy nhiên, đằng sau đó là những câu chuyện của ngành với tình trạng đầu cơ, người dân thiếu động lực để quay trở lại với cây tiêu hay câu chuyện về phát triển bền vững.
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện của ngành hàng này, chúng tôi có buổi trò chuyện với ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak – top 3 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và top 6 xuất khẩu tiêu của cả nước.
PV: Trong thời gian qua, giá tiêu tăng do thiếu cung bởi trước đó người dân đã chặt bỏ loại cây này đi nhiều. Theo ông việc giá tiêu đã vượt mốc 100.000 đồng/kg đã đủ hấp dẫn người dân quay trở lại với cây trồng này chưa?
Ông Lê Đức Huy: Giá tiêu tăng trong thời gian qua do nhu cầu vượt nguồn cung. Về dài hạn nhu cầu gia vị sẽ ngày càng tăng trong khi tiêu Việt Nam đã đến độ lão hoá và mức giá hiện nay vẫn chưa thể kích thích người dân trồng thêm. Tuy nhiên, rất khó xác định mức giá nào người dân có thể quay trở lại với cây tiêu vì còn phụ thuộc vào giá của các cây đối thủ khác như sầu riêng, chanh leo, cà phê…
Ngay cả khi giá tiêu đạt 100.000 đồng/kg thì vẫn chưa đủ hấp dẫn người dân trồng trở lại bởi nếu so sánh với lợi nhuận thì từ các loại cây khác, đặc biệt là sầu riêng thì thu nhập từ tiêu vẫn thấp hơn nhiều.
Khi so sánh với cà phê, lợi nhuận từ tiêu vẫn thấp hơn bởi việc canh tác cà phê dễ hơn. Còn cây tiêu là thân leo, cực kỳ dễ bị tổn thương. Năng suất trên một đầu cây của cà phê cũng cao hơn nhiều so với tiêu.
Ngoài ra, người dân vừa trải qua cuộc khủng hoảng giá tiêu kéo dài nhiều năm, có lúc giá xuống hơn 30.000 đồng/kg nên họ không có đủ tự tin để trồng lại vào thời điểm này.
Do đó, tồn kho trong 3 – 5 năm tới sẽ tiếp tục giảm. Trong dài hạn giá tiêu khó lòng giảm hơn nữa.
PV: Xu thế hiện nay, các thị trường siết chặt hơn các yêu cầu về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tối đa (MRL), đặc biệt là EU có phải cú đấm bồi với ngành tiêu Việt Nam, khiến sản lượng càng khó lòng phục hồi?
Ông Lê Đức Huy: Như tôi đã đề cập, cây tiêu rất dễ bị tổn thương nên việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là điều khó tránh. Nhưng việc làm này cũng là điều đáng e ngại khi tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu ngày càng tăng cũng là rào cản.
Nhìn vào khía cạnh tích cực hơn, đây lại là xu hướng tương lai, người nông dân sẽ buộc phải đi theo con đường canh tác “sạch”, hạn chế tối đa sử dụng phân bón hoá học, tạo môi trường, cảnh quan tốt.
Bản thân chúng tôi cũng theo đuổi con đường canh tác bền vững cách đây hơn chục năm, song song với việc trồng xen nhiều loại cây. Do đó, các hộ liên kết cũng đã vượt qua cơn bão giá mà không phải chặt bỏ cây tiêu. Xu thế cho các mảnh vườn nhỏ hiện nay là trồng trồng bền vững và đa canh.
Kết quả là sản phẩm đầu ra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp và bán được giá tốt.
PV: Việc giá tiêu, cà phê tăng là tin vui cho người nông dân nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu thì lại là trở ngại lớn khi họ không mua được hàng giao cho khách vì thiếu nguồn cung. Làm thế nào để giải bài toán cân bằng lợi ích các bên, tức cả nông dân và doanh nghiệp cùng “vui” và thị trường lành mạnh hơn?
Ông Lê Đức Huy: Chính xác. Việc giá tăng mạnh thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và chúng tôi cũng vậy, bởi nguồn cung của cả tiêu và cà phê đang suy giảm. Nhưng điểm khác biệt giữa các doanh nghiệp là cách ứng phó với tình trạng này ra sao.
Vừa qua, Chính phủ và các hiệp hội định vị Việt Nam sẽ trở thành bếp ăn của thế giới. Chúng ta trở thành một nước sản xuất hàng tiêu dùng, hàng đóng bao, đóng lọ cho người tiêu dùng có thể sử dụng luôn; thay vì xuất thô như trước đây.
Do đó, khi tập trung vào câu chuyện chế biến, chúng ta có thể nhập khẩu hàng nguyên liệu thô từ nước khác để làm hàng tiêu dùng, khi nguồn cung trong nước chưa đủ đáp ứng.
Nhưng điều quan trọng là các thành phần tham gia thị trường (kể cả nông dân) cần giảm tư duy đầu cơ. Với người sản xuất thì cần cung ứng sản phẩm ra thị trường, chỉ giữ lại một phần. Tránh tình trạng, người sản xuất lại đi vay mượn để đi đầu cơ, găm hàng. Điều này trái với quy luật thị trường.
Với doanh nghiệp trung gian, họ nên làm tốt vai trò của mình là người kết nối, lưu thông, tránh đầu cơ trục lợi: Khi người dân cần tiền thì mua được giá tốt, còn khi doanh nghiệp xuất khẩu cần hàng thì cung ứng được đầy đủ.
Một số công ty nước ngoài tại Việt Nam như Olam, Nedspice, họ đang làm rất tốt vai trò là người kết nối. Họ lành mạnh hoá thị trường. Còn các doanh nghiệp xuất khẩu cần làm tốt vai trò hài hoà lợi ích của các bên, không ép giá ai cả.
Mỗi người đều có trách nhiệm của riêng mình. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng để làm điều này rất khó. Thị trường có nhiều doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng. Mỗi doanh nghiệp lại có một tư duy và chiến lược khác nhau và họ luôn tin là mình đúng.
PV: Nói về câu chuyện hài hoà lợi ích, trước nay, người nông dân được xem là đối tượng “thấp cổ bé họng” trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, sức mạnh đàm phán của nông dân hồ tiêu và cà phê trong hai năm gần đây càng ngày càng tăng dần, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Lê Đức Huy: Điều này rất rõ ràng trên thị trường và xu thế này sẽ còn tăng bởi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nhưng dân số ngày càng tăng kéo theo nhu cầu tiêu thụ tiêu và cà phê cũng tăng theo. Người chủ đất ngày càng có lợi thế trong chuỗi cung ứng là điều tất yếu. Đây là quy luật rất rõ. Nhưng nếu muốn chuỗi cung ứng tốt hơn nữa thì mô hình liên kết nông dân thành hợp tác xã vẫn là tối ưu nhất, có hiệu suất hơn.
Nếu làm riêng lẻ thì mỗi người làm một kiểu, phân bón khác nhau, thuốc khác nhau với số lượng ít. Còn nếu liên kết với nhau thì có thể đồng bộ trong việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và mua được vật tư nông nghiệp với số lượng lớn, giá rẻ hơn.
Thậm chí nếu làm tốt, các hợp tác xã có thể trở thành nhà xuất khẩu. Khi đó, vai trò của những doanh nghiệp trung gian sẽ yếu dần nếu làm không tốt, không tạo ra được giá trị gia tăng nào trong chuỗi.
Xu thế hiện nay là nhà sản xuất ngày càng gần với người tiêu thụ cuối cùng nhờ sự phát triển của hệ thống logistics và các nền tảng bán hàng trực tuyến. Những doanh nghiệp chỉ lo tranh mua, tranh bán sẽ bị đào thải là chuyện bình thường.
PV: Vậy với những doanh nghiệp trung gian như Simexco cần làm gì để tránh bị đào thải?
Ông Lê Đức Huy: Chúng tôi đã làm rất nhiều thứ để tạo ra giá trị gia tăng và làm tốt vai trò là cầu nối trong hàng chục năm qua. Chúng tôi liên kết hệ thống 40.000 hộ nông dân để thành các nhóm qua đó đồng bộ và quản lý tốt hơn chất lượng sản phẩm bằng việc hướng dẫn họ cách canh tác bền vững và chế biến sâu.
Từ các sản phẩm đó, chúng tôi đem giới thiệu với người tiêu dùng, đặc biệt là các thị trường nước ngoài. Đồng thời cũng là người đứng ra để cam kết chất lượng cho các nhà phân phối.
Chúng tôi rất vui nếu người sản xuất nói chuyện được với người tiêu thụ. Bởi khi đó, người sản xuất biết được thị trường tiêu thụ đang cần gì và có những yêu cầu như thế nào để chủ động điều chỉnh, thay vì mang tính ép buộc như trước đây.
PV: Xin cảm cảm ơn vì những chia sẻ của ông.
Đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 6/2024
Nguồn: vietnambiz
https://vietnambiz.vn/ceo-simexco-can-tranh-tu-duy-dau-co-trong-chuoi-cung-ung-tieu-ca-phe-202462611117924.htm