Chiều 19/8, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí Thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Quy trình cấp đông sầu riêng xuất khẩu của một doanh nghiệp ở Tây Nguyên. Nguồn: Hà Văn Anh
“Tăng diện tích trồng sầu riêng chất lượng cao”
Theo đánh giá của các chuyên gia, sầu riêng đông lạnh bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ) là sản phẩm có tiềm năng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam.
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.
So với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh có giá trị gia tăng cao hơn. Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 – 500 triệu USD ngay trong năm 2024.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đánh giá, việc ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc giúp cho Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng, tiếp đến là công nghệ chế biến, bảo quản.
“Sản phẩm chế biến đông lạnh sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm sầu riêng khác. Các nhà vườn sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu sang nước ngoài”, ông Hiếu nói.
Trước đó, từ tháng 3/2024, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi công văn tới các địa phương, đề nghị rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo đó, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.
Theo ông Hiếu, từ khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp hơn 700 mã số vùng trồng và gần 200 cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số chỉ đạt 25.000 ha trên tổng số 150.000 ha.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị phía Trung Quốc mở rộng các vùng trồng được cấp mã số, tăng diện tích trồng sầu riêng chất lượng cao”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo ông Hiếu, để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, đã đến lúc cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra. Địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng. Việc này xuất phát từ doanh nghiệp và địa phương, cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.
“Tôi cho rằng nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bền vững hơn so với việc phát triển diện tích vùng trồng sầu riêng ồ ạt nhưng chưa đạt chất lượng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc này cũng cần sự phối hợp của doanh nghiệp và địa phương”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, sầu riêng đông lạnh từ trước đến nay chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan và một số thị trường xa như Hoa Kỳ, châu Âu… Theo ông Bình, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng đông lạnh ở Trung Quốc là rất lớn. Vì vậy, khi được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể tăng cao hơn nữa vào năm 2025.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Trương Việt Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng (tỉnh Đồng Nai) cho biết, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc.
“Để đầu tư một nhà máy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cần vốn gấp 5 lần kho chứa sầu riêng tươi đóng gói nên số lượng doanh nghiệp tham gia sẽ ít hơn, việc cạnh tranh có thể bớt khốc liệt hơn so với sầu riêng tươi. Phía Trung Quốc hiện nay phát triển được rất nhiều sản phẩm chế biến từ sầu riêng nên cần nguồn nguyên liệu lớn. Phân khúc này cũng có tính ổn định hơn so với sầu riêng tươi nhờ việc bảo quản được đến 2 năm”, ông Thắng đánh giá.
Cũng theo ông Thắng, sầu riêng đông lạnh chủ yếu chú trọng chất lượng cơm, không đòi hỏi về mẫu mã bên ngoài như hàng tươi nên Việt Nam có thể xuất khẩu được thêm khoảng 30% sản lượng, mang về giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, do giá sầu riêng hiện đã đạt đỉnh nên dù có mở thêm mặt hàng đông lạnh, sầu riêng cũng khó có khả năng tăng giá thêm mà chủ yếu ổn định đầu ra. “Nếu giá sầu riêng tăng nữa sẽ vượt khả năng chi trả của người tiêu dùng”, ông Thắng nói.
Còn theo TS. Lương Ngọc Trung Lập, chuyên gia phân tích thị trường nông sản, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính trái sầu riêng Việt Nam, với nhu cầu rất cao. “Thị trường Trung Quốc còn rất rộng lớn, thành ra việc mở rộng sản xuất thì trong tương lai gần, ít nhất trong 5-10 năm tới cũng không quan ngại”, ông đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Lập, sau 10 năm nữa, khả năng thị trường sẽ có nhiều thay đổi. Bởi lẽ, khi nhu cầu thị trường Trung Quốc lớn, người dân ưa chuộng trái sầu riêng, dù có thời điểm giá tại vườn lên đến 170.000 đồng/kg, nhưng họ vẫn có nhu cầu, cho nên, nhiều quốc gia cũng sẽ phát triển để cạnh tranh.
“Khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao như vậy, thì các nước cạnh tranh với Việt Nam như Malaysia, Campuchia, Philippines chắc chắn cũng tìm mọi cách để thâm nhập thị trường này”, ông Lập dẫn chứng và cho rằng, với Campuchia và Lào, diện tích có thể phát triển còn rất lớn, cho nên, người Trung Quốc đã sang để hợp tác sản xuất và đưa trái sầu riêng về cung ứng cho thị trường Trung Quốc.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khi Việt Nam được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, các công ty sẽ bắt đầu nâng dần quy mô sản xuất mặt hàng này, mà trước mắt là mở rộng các nhà máy hiện có lên gấp đôi so với hiện nay, qua đó, đưa xuất khẩu sầu riêng đông lạnh lên thêm khoảng 150 triệu đến 200 triệu USD.
“Sau 1-2 năm, khi nhận thấy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc đã ổn định và có hiệu quả, các công ty sẽ mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà máy, nâng cao công suất chế biến, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng lên”, ông Nguyên nói.
Nguồn: Dân việt
https://danviet.vn/xuat-khau-sau-rieng-dong-lanh-sang-trung-quoc-doanh-nghiep-tuan-thu-the-nao-chuyen-gia-du-bao-gi-trong-10-nam-toi-20240819211043709.htm