Từ giữa tháng 7 đến nay, đồng Yen đã tăng giá 15% so với USD. Nếu tính từ đầu năm đến nay, Yen đang tăng giá nhẹ so với bạc xanh.
Tỷ giá Yên sẽ trở thành tâm điểm chú ý của tuần này khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu hạ lãi suất và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ nguyên chính sách lãi suất sau cuộc họp mới nhất.
Cụ thể, Fed đã cắt giảm lãi suất qua đêm thêm 0,5 điểm phần trăm, nhiều hơn mức cắt giảm thông thường là 0,25 điểm cho mỗi lần điều chỉnh, với lý do tin tưởng hơn rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống mục tiêu 2%/năm. Lãi suất mới là 4,75% – 5,00%, mức thấp nhất mà thị trường mong đợi.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản giữ nguyên lãi suất, đồng Yen bật tăng. Ảnh: Reuters |
Hai ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời nâng dự báo về tiêu dùng. Đây được xem là một tín hiệu cho thấy sự lạc quan của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ rằng phục hồi kinh tế đang duy trì vững và sẽ cho phép tăng lãi suất trong những tháng sắp tới.
Trong một thời gian dài, Ngân hàng trung ương Nhật Bản là một ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu khi duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% nhờ vào đà tăng lương.
Theo Reuters, việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức 0,25% sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày không nằm ngoài dự báo trước đó của giới đầu tư và chuyên gia.
“Tiêu dùng tư nhân đang ở trong một xu hướng tăng nhẹ, bất chấp ảnh hưởng của giá cả tăng và các yếu tố khác”, trích tuyên bố của Ngân hàng trung ương Nhật Bản.
Bà Naomi Muguruma – chiến lược gia trưởng về trái phiếu của công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities nhận định: “Việc BOJ đánh giá tích cực hơn về tiêu dùng cho thấy cơ quan này đang ngày càng tin tưởng hơn rằng mọi thứ đang đi đúng hướng, với tiền lương tăng đẩy thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình tăng lên”.
Tháng 3 năm nay, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007. Tiếp đó, đợt tăng lãi suất thứ hai của ngân hàng trung ương này diễn ra vào tháng 7, báo hiệu rằng nhiều đợt tăng lãi suất nữa có thể diễn ra. Động thái này khiến các nhà đầu tư bất ngờ và thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn do lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ.
Do đó, nhiều nhà đầu tư đã phải rút khỏi chiến lược giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) tức là vay đồng Yen để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở nước ngoài. Phản ứng này đã đẩy giá trị của đồng Yen lên cao hơn.
Theo Bloomberg, mức biến động của tỷ giá giữa USD và Yen trong 3 tháng qua là khoảng 12 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái, trong khi mức biến động trong 1 tháng trở lại đây là 15 điểm, cao nhất kể từ tháng 1 năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định, với lượng đầu cơ vào sự tăng giá của Yen đang cao như hiện nay, mức độ biến động tỷ giá của đồng tiền này có thể sẽ duy trì cao hơn, lâu hơn.
Theo tờ Yomiuri phân tích, nếu chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ bị thu hẹp, khả năng đồng Yen sẽ tăng giá hơn nữa so với đồng USD, khiến các giá cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu giảm xuống do xu hướng bán ra.
Tuy nhiên, khoảng 70% các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg dự đoán Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ thực hiện thêm một đợt tăng lãi suất vào tháng 12 tới. Capital Economics dự đoán đợt tăng lãi suất tiếp theo của ngân hàng này sẽ diễn ra vào tháng 10/2024, khi lạm phát có khả năng sẽ duy trì gần mục tiêu 2% cho đến đầu năm 2025.
Nguồn: Báo công thương
https://congthuong.vn/dong-yen-tang-manh-sau-khi-fed-cat-giam-lai-suat-347260.html