Nông dân “loay hoay” bảo vệ mình
Là Hợp tác xã (HTX) chuyên về nông sản, ngoài việc tổ chức trồng, HTX Vườn Nhà Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) còn liên kết với hơn 200 hộ nông dân. Bà Lương Thị Yến Vân – Giám đốc HTX Vườn Nhà Đà Lạt – chia sẻ, khi nhắc đến trồng khoai, hầu hết nông dân đều rất ái ngại bởi đây là một trong những cây trồng bị giả mạo thương hiệu rất nhiều tại Đà Lạt.
Nguyên nhân là do giá nông sản giả mạo khoai Đà Lạt so với thị trường rất thấp. Người tiêu dùng nếu không phải người trồng thì rất khó nhận biết hàng Đà Lạt và hàng giả nên hàng thật bị lấn át.
Khoai tây Đà Lạt là một trong những sản phẩm nông sản bị giả mạo xuất xứ trong thời gian dài. Ảnh: Tiến Thành |
Để bảo vệ thương hiệu khoai tây của HTX, bà Lương Thị Yến Vân cho biết, hiện HTX đã có làm mã QR quét để truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những cơ sở bán các loại không có nguồn gốc và vẫn dán tem hay nhãn nông sản Đà Lạt, gây bức xúc cho nhà nông và cả người dùng.
Bà Lương Thị Yến Vân cũng kiến nghị, các cơ quan, ban ngành có biện pháp bảo vệ nông sản Đà Lạt, có biện pháp giúp người tiêu dùng nhận diện đâu là hàng Đà Lạt đâu là hàng nhập khẩu để người dân chọn lựa.
Không những khoai tây, ông Trần Huy Đường – Chủ nông trại Langbiang Farm – chia sẻ, rất nhiều loại nông sản bị giả mạo xuất xứ, hàng nhập khẩu nhưng “đội lốt” hàng Đà Lạt. Rất bức xúc về việc này, ông Đường cho rằng, để hạn chế, trước tiên, nông dân phải tự bảo vệ mình, trong đó quan trọng nhất là phải có thương hiệu.
“Tôi ấn tượng khi người nông dân Nhật Bản tự in hình mình cùng thương hiệu nông sản của trang trại mình lên bao bì. Nông dân phải có mã QR Code, phải có mã số vùng trồng. Mã số phải làm chi tiết đến từng lô sản xuất, phải được cơ quan quản lý chứng nhận. Hiện nay, việc này mới chỉ làm được với một số nông sản như sầu riêng”, ông Trần Huy Đường nói.
Ngoài ra, theo ông Trần Huy Đường phải có nhãn phụ thông tin nơi sản xuất để tránh tình trạng hàng không rõ nguồn gốc “đánh lận con đen” vào siêu thị. Cơ quan chức năng phải thành lập những đội quản lý đột xuất các cơ sở để phát hiện vi phạm.
“Để xây dựng thương hiệu nông sản của mình, bản thân nông trại đã có bộ tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn GlobalGAP, mã QR code rõ ràng. Sản phẩm nông sản phải có câu chuyện, kể câu chuyện sản phẩm đó trên bao bì sản phẩm để thu hút người tiêu dùng”, ông Trần Huy Đường cho hay.
Giữ uy tín nông sản Việt: Cần sự đồng hành của các bên
Có thể thấy, do thu lời “siêu lợi nhuận” từ việc giả mạo nhãn hiệu nông sản Đà Lạt nên nhiều tiểu thương đã cố ý “thay màu” khoai tây bằng cách trộn đất, cát, dán nhãn thương hiệu khoai tây Đà Lạt để kinh doanh thời gian qua. Giá mua vào khoai tây nước ngoài là 7.500 đồng/kg nhưng nếu làm màu, dán nhãn khoai tây Đà Lạt giá bán là 12.500 đồng/kg (chênh lệch khoảng 66% so với giá mua).
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai – cảnh báo hành vi gian lận trộn đất khoai tây Trung Quốc và dán nhãn hàng Đà Lạt không chỉ vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín nông sản trong nước. Đây là hành vi vi phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quảng cáo.
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân đánh giá, hình thức chế tài hiện tại là phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Chính vì chế tài chưa đủ mạnh nên vấn nạn này vẫn tái đi tái lại. Ông Quân đề xuất tăng cường chế tài bằng cách đề xuất nâng mức phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đồng thời áp dụng các biện pháp bổ sung như đóng cửa cơ sở kinh doanh vi phạm và công bố công khai thông tin về doanh nghiệp, cá nhân vi phạm để nâng cao nhận thức xã hội và tăng tính răn đe.
Tuy nhiên, chế tài pháp luật chưa phải là biện pháp duy nhất, hữu hiệu nhất mà cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật rộng rãi trong quần chúng, học sinh, hướng đến bản thân người dân tự nhận thức được hành vi sai trái của mình, lòng tự trọng để không thực hiện hành vi trái pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm chính hiệu nông sản Đà Lạt để có sự lựa chọn chính xác, tẩy chay hàng giả mạo thương hiệu thì các sản phẩm “đội lốt” sẽ không thể tồn tại.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – khuyến nghị, cần gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản. Liên kết giữa người nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản.
Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần hướng dẫn đồng bộ quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển… nhằm nâng cao, ổn định chất lượng, duy trì phẩm cấp cho các sản phẩm nông sản đã được đăng ký bảo hộ.
Đồng thời, các tỉnh thành cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra và phòng chống các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái… trên địa bàn các tỉnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Ông Lê Thanh Hòa cũng cho rằng, doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản. Xây dựng, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu. Từ đó, có chiến lược, kế hoạch cụ thể cho phát triển nhãn hiệu sản phẩm trong chiến lược phát triển doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh nhãn hiệu nông sản Đà Lạt thông qua các trang thương mại điện tử để người tiêu dùng có thể nhận diện hàng đúng chất lượng, tránh giả mạo. Nghiên cứu kết hợp phát triển sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu với việc phát triển du lịch, văn hóa. Phối hợp, tham gia với địa phương xây dựng câu chuyện về hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, những câu chuyện mang tính văn hóa, lịch sử hình thành phát triển sản phẩm” – ông Lê Thanh Hòa góp ý.
Nguồn: Báo công thương
https://congthuong.vn/thay-mau-nong-san-dung-de-nong-dan-phai-loay-hoay-tu-bao-ve-minh-348501.html