Ủy ban châu Âu chưa tiết lộ cụ thể các công cụ pháp lý mà họ đang nghiên cứu, nhưng các nhà ngoại giao EU chỉ ra một số lựa chọn. Một trong những phương án là áp thuế quan lên khí đốt và LNG của Nga.
Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý vào tháng tới nhằm loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt Nga vào Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2027 và cấm các hợp đồng giao dịch khí đốt giao ngay với Nga vào cuối năm nay, theo Reuters.
EU sẽ cấm khí đốt Nga như thế nào?
Lệnh trừng phạt là cách dễ nhất về mặt pháp lý để EU cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên và khí hóa lỏng (LNG) từ Nga. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này cần sự nhất trí của cả 27 quốc gia thành viên EU.
Hungary và Slovakia – hai nước muốn duy trì quan hệ chính trị gần gũi với Nga – đã cam kết sẽ phản đối các lệnh trừng phạt khí đốt. Cả hai nước này nhập khẩu khí đốt qua đường ống TurkStream và cho rằng việc chuyển sang các nguồn cung khác sẽ làm tăng giá năng lượng.
Để tránh sự phản đối này, Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ đưa ra các biện pháp thay thế vào tháng 6, có thể được thông qua nếu đạt được đa số phiếu ủng hộ và chỉ bị bác bỏ nếu có ít nhất 4 quốc gia phản đối.
Trong cuộc họp kín của các đại sứ EU tuần trước, tất cả các nước thành viên – trừ Hungary và Slovakia – đều hoan nghênh kế hoạch cấm khí đốt Nga. Tuy nhiên, một số nước lo ngại về tính chắc chắn pháp lý của kế hoạch này và tác động của nó đến giá năng lượng.
Nếu không phải trừng phạt, thì sẽ như thế nào?
Ủy ban châu Âu chưa tiết lộ cụ thể các công cụ pháp lý mà họ đang nghiên cứu, nhưng các nhà ngoại giao EU chỉ ra một số lựa chọn.
Một trong những phương án là áp thuế quan lên khí đốt và LNG của Nga. Dù không phải là lệnh cấm hoàn toàn, thuế quan sẽ khiến các hợp đồng mới với Nga trở nên kém hiệu quả về kinh tế.
Ví dụ, EU đã áp thuế đối với phân bón Nga, dự kiến tăng lên 430 euro/tấn trong vòng ba năm – một mức thuế nhằm cắt đứt nhập khẩu.
Các công ty châu Âu có hợp đồng khí đốt dài hạn với Nga cũng có thể viện dẫn “bất khả kháng” để hủy bỏ hợp đồng nếu các quy định của EU thay đổi đến mức các điều khoản hợp đồng không còn khả thi. Tuy nhiên, giới luật sư cảnh báo rằng các công ty này có thể đối mặt với các khoản phạt tài chính.
EU sẽ giám sát lệnh cấm như thế nào?
Chính phủ các nước trong khối EU cho rằng cần minh bạch hơn về giao dịch khí đốt Nga. Để đạt được điều này, EU có thể sử dụng “Cơ sở dữ liệu Liên minh” – một nền tảng của Ủy ban châu Âu hiện theo dõi nhập khẩu nhiên liệu sinh học của EU – để giám sát các giao dịch khí đốt Nga và xác định các công ty vi phạm lệnh cấm.
Các đề xuất trong tháng 6 của Ủy ban cũng sẽ bao gồm nghĩa vụ yêu cầu các công ty công khai thông tin về các hợp đồng khí đốt Nga của họ.
Ai sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất?
Khoảng hai phần ba lượng khí đốt Nga nhập vào châu Âu hiện là theo hợp đồng dài hạn mà EU dự định sẽ cấm vào cuối năm 2027. Phần còn lại là giao dịch giao ngay.
Năm ngoái, Nga cung cấp 19% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU, bao gồm LNG và khí đốt qua đường ống TurkStream cung cấp cho Hungary và Slovakia. Đây là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với mức 45% trước khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra.
Phần lớn các quốc gia trong khối EU trước đây nhận khí đốt qua đường ống của Nga đã chuyển sang các nguồn cung khác. Chẳng hạn, Áo – từng nhận khí đốt Nga qua Ukraine đến cuối năm 2024 – hiện nhập khẩu từ các tuyến đường qua Đức và Italy, với nguồn cung từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Đối với Hungary và Slovakia, chuyển sang nguồn cung khác sẽ đắt đỏ hơn. Theo Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ, khí đốt đường ống Nga được bán với giá chiết khấu 13-15% so với các lựa chọn khác vào năm ngoái.
Đối với LNG, bức tranh lại khác khi Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha nhập khẩu phần lớn LNG của Nga vào châu Âu và có thể dễ dàng thay thế bằng các nguồn cung khác như từ Mỹ.
Tuy nhiên, một số hợp đồng LNG của Nga kéo dài đến năm 2041, nếu không bị gián đoạn. Các công ty như TotalEnergies, SEFE và Naturgy là những bên ký kết các hợp đồng này.
Nguồn: vietnambiz
https://vietnambiz.vn/eu-se-ngan-dong-chay-khi-dot-cua-nga-bang-cach-nao-2025518154015829.htm