Giá xuất khẩu tiệm cận mức 1.000 USD/tấn, gạo Việt Nam vẫn loay hoay chuyện xây dựng thương hiệu Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua |
Giá một số loại lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục có sự tăng nhẹ. Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu tại các nước sản xuất gạo hàng đầu ở châu Á đồng loạt tăng, giá gạo Việt Nam xuất khẩu chạm mức cao nhất trong gần 3 tháng.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, nhiều loại lúa tăng 100-200 đồng/kg so với tuần trước như Đài thơm 8 có giá từ 8.400-8.600 đồng/kg, OM 5451 từ 8.200-8.400 đồng/kg, OM 18 từ 8.600-8.800 đồng/kg…
Bên cạnh đó có những loại giảm 200 đồng/kg so với tuần trước như OM 380 dao động từ 7.600 – 7.800 đồng/kg.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chạm mức cao nhất trong gần ba tháng. Ảnh minh họa |
Một số loại giá vẫn đi ngang như lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 7.800-8.000 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg…
Khoảng hai tuần nay, giá lúa tươi đầu vụ Hè Thu tại tỉnh Trà Vinh đã tăng thêm từ 500-900 đồng/kg. Hầu hết nông dân trồng lúa ở tỉnh Trà Vinh rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá.
Tại Sóc Trăng, sau khi thu hoạch lúa Hè Thu sớm nông dân ở các vùng trũng thấp như, thị xã Ngã Năm, huyện Châu Thành, huyện Mỹ Tú đã gieo sạ vụ lúa Thu Đông bất chấp khuyến cáo ngành chức năng.
Theo ngành chức năng, hiện nay nếu gieo sạ Thu Đông thì thời vụ thu hoạch sẽ rơi vào thời điểm thời tiết mưa nhiều, nguy cơ ngập úng và thất thoát trong sản xuất là khó tránh khỏi. Nguyên nhân bởi năm nay giá lúa tăng cao từ 1.000-1.200 đồng/kg so với năm trước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ lúa Thu Đông có thời gian gieo trồng từ tháng 7-10, rơi vào cao điểm mùa mưa bão trong năm nên năng suất thường không cao; do đó, những năm gần đây tỉnh Sóc Trăng không có kế hoạch cho sản xuất vụ Thu Đông.
Hiện nông dân ở các khu vực vùng trũng thấp của tỉnh đã gieo sạ trên 3.300ha lúa Thu Đông, tăng trên 1.700ha so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, giá gạo Việt Nam chạm mức cao nhất trong gần 3 tháng, khi nguồn cung thắt chặt, dù nhu cầu thấp đã hạn chế đà tăng giá. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 578 USD/tấn vào ngày 22/8, tăng so với mức 570 USD/tấn một tuần trước đó.
Theo một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn cung thắt chặt khi vụ thu hoạch Hè Thu ở Đồng bằng Sông Cửu Long sắp kết thúc, trong khi mưa kéo dài ở khu vực này ảnh hưởng đến chất lượng lúa. Tuy nhiên, các nhà giao dịch cho biết việc tiêu thụ diễn ra chậm hơn do giá cao.
Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu tại các nước sản xuất gạo hàng đầu ở châu Á đồng loạt tăng trong tuần này. Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ ở mức từ 540-545 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức từ 536-540 USD/tấn của tuần trước.
Một nhà giao dịch tại Mumbai cho rằng nguồn cung từ vụ trước đã gần hết. Các nhà xuất khẩu gạo đang điều chỉnh trước mức giá hỗ trợ trong vụ mới, trong khi nhu cầu từ gần như các thị trường đều thấp.
Ấn Độ đã tăng giá thu mua từ người nông dân trong vụ mới 5,4% lên 2.300 rupee (27,4 USD)/100 kg.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm ở mức 570 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 567 USD/tấn của tuần trước, khi các nhà giao dịch cho rằng biến động giá là là do tỷ giá, trong khi nhu cầu ổn định.
Nguồn: Báo công thương
https://congthuong.vn/gia-gao-xuat-khau-cua-viet-nam-cham-muc-cao-nhat-trong-gan-ba-thang-341363.html