Thiếu hụt nguồn cung, giá tiêu tăng mạnh
Từ đầu năm đến nay, giá tiêu Việt Nam trên đà tăng mạnh, đặc biệt vào nửa đầu tháng 6, giá tăng “nóng” khi đạt đỉnh 180.000 đồng/kg vào ngày 12/6 đã được nhiều người kỳ vọng hồ tiêu sẽ trở lại thời hoàng kim. Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh thì đến nay, giá tiêu giảm và thay đổi liên tục, dao động quanh mốc 140.000 – 160.000 đồng/kg, nhưng vẫn được xem là mức cao kỷ lục tính từ năm 2016. Giá tiêu ở mức cao khiến người dân rất phấn khởi và yên tâm hơn để chăm sóc vườn tiêu đang có.
Theo nhiều nông dân ở các vùng trồng tiêu, mặc dù giá tăng nhưng người trồng được hưởng lợi không nhiều do đa số vườn tiêu lâu năm đã bị thay thế bằng sầu riêng và một số loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên năng suất tiêu giảm mạnh trong những năm gần đây, trung bình từ 20 – 30%.
Nguồn cung thiếu hụt, giá tiêu tăng cao nhưng nông dân chưa vội bán, dồn sức đầu tư |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 110 ngàn tấn hạt tiêu các loại, thu về 469 triệu USD, giảm 16,8% về lượng nhưng tăng 15,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu trên thị trường xuất khẩu tăng cao do nguồn cung giảm là nguyên nhân khiến từ đầu năm 2024 đến nay, giá hồ tiêu trong nước không ngừng tăng.
Cụ thể, ngay trong vụ thu hoạch năm 2024, giá tiêu đạt mức bình quân khoảng 90 ngàn đồng/kg, tăng hơn 20 ngàn đồng/kg so với mức bình quân vụ thu hoạch năm 2023. Sau khi vụ thu hoạch tiêu năm 2024 kết thúc, giá tiêu lại có những bước nhảy vọt mới, có thời điểm chạm mốc 200 ngàn đồng/kg. Cuối tháng 6, giá tiêu có đợt giảm giá mạnh so với hồi đầu tháng, hiện đang ở mức 158-160 ngàn đồng/kg.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VSPA), hiện tượng thời tiết hạn hán kéo dài dẫn đến sản lượng hồ tiêu năm nay của Việt Nam giảm 10%, xuống khoảng 170.000 tấn so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Nhiều nước sản xuất lớn cũng được dự báo sụt giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino lẫn suy giảm diện tích canh tác.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá hồ tiêu sẽ còn tăng, mặc dù trong ngắn hạn có thể sẽ có những đợt điều chỉnh giảm, nhưng sẽ không quá sâu và thị trường đã hình thành mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, giá tiêu hiện nay vẫn chưa hấp dẫn để người dân ồ ạt bán ra, bởi sầu riêng, cà phê đang có giá rất tốt, giúp nông dân cũng có đủ khả năng tài chính để trữ hồ tiêu. Ngay lúc giá đang tăng cao như hiện nay nhưng họ vẫn chọn cách bán ra “nhỏ giọt” để thăm dò thị trường.
Nông dân mới bán ra 50% sản lượng, trữ hàng chờ giá tăng mới bán
Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Việt Đức (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, với diện tích 50ha trong niên vụ 2024 thì tổng sản lượng hồ tiêu của Hợp tác xã gần 200 tấn. Năm nay, giá tiêu liên tục tăng cao nhưng người dân không bị áp lực bán sớm như những năm trước đây, bởi giá các loại nông sản khác cũng đang tăng, giúp bà con có thu nhập ổn định. Do đó, sau thu hoạch, người dân chỉ bán trước một phần sản lượng để trả tiền thuê nhân công, tái đầu tư sản suất cho niên vụ tới, số còn lại vẫn được tích trữ chờ tiêu tăng giá.
Còn gia đình ông Vũ Kim Thịnh (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, với 7ha, vụ tiêu vừa rồi, gia đình thu về 40 tấn tiêu. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng cao nhưng gia đình ông chưa bán, bởi sản lượng tiêu của những năm trước vẫn còn trong kho. Để chờ giá tốt, gia đình ông đã đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản nhằm bảo đảm chất lượng hạt tiêu không bị ẩm, mốc.
“Giá tiêu liên tục tăng cao nhưng gia đình cũng không bị áp lực phải bán ra vì có đủ tài chính để tập trung đầu tư nâng cao chất lượng trên diện tích vườn tiêu hiện có, hy vọng vụ mùa tiêu năm sau sẽ đạt năng suất cao hơn và giá sẽ tốt hơn”, ông Kim Thịnh chia sẻ.
Tương tự, gia đình ông Đào Văn Lành (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), phấn khởi cho biết: “Khi giá tiêu lên mức 180 ngàn đồng/kg, tôi quyết định bán ra lượng tiêu dự trữ của vụ thu hoạch trước, vì đây là mức giá cho lợi nhuận cao”.
Đã từ lâu, người nông dân Việt Nam coi tiêu như một loại “tiền tệ”, họ thường cất trong kho và chỉ bán khi nào cần. Theo VSPA, năm 2024 nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529.000 tấn, vượt 64.000 tấn so với sản xuất. Với tình trạng khan hiếm nguồn cung hồ tiêu như hiện nay, nhiều chuyên gia ngành hàng nhận định giá tiêu trong thời gian tới có thể vượt đỉnh chu kỳ giá lần trước.
Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia, với việc chiếm gần 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu, Việt Nam có nhiều lợi thế để điều tiết thị trường hồ tiêu trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn: Báo công thương
https://congthuong.vn/nguon-cung-thieu-hut-gia-tieu-tang-cao-nhung-nong-dan-chua-voi-ban-329539.html