Trong nỗ lực đa dạng hóa đối tác xuất khẩu, Nhật Bản gần đây đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu sò điệp sang Thái Lan, một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản của nước này, lên 2,4 tỷ yên (15 triệu USD) vào năm 2024 so với một năm trước đó.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh khối lượng xuất khẩu mặt hàng này từ 11/2023 – 3/2024 sang Việt Nam tăng gấp 3 lần, sang Thái Lan tăng 2,3 lần và sang Mỹ tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Indonesia, Malaysia và Canada cũng đã tăng nhập khẩu sò điệp từ Nhật Bản kể từ khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thủy sản hồi tháng 8/2023 sau khi nước này bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển Thái Bình Dương, một hành động được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chấp thuận nhưng vấp phải sự phản đối của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cho rằng xuất khẩu sò điệp tăng sang các thị trường ngoài Trung Quốc là chưa đủ để lấp đầy khoảng trống do Bắc Kinh để lại và Nhật Bản nên tiếp tục chuyển hướng chuỗi cung ứng và đẩy mạnh các chiến dịch xúc tiến thương mại với mục tiêu xuất khẩu cao hơn.
Theo dữ liệu của chính phủ, Trung Quốc chiếm 51,3% xuất khẩu sò điệp của Nhật Bản trong năm 2022. Đài Loan đứng thứ hai với 12,3%, Mỹ đứng thứ ba với 8,6% và Hàn Quốc thứ tư với 8,3%.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Thái Lan Thamanat Prompow hôm 3/5 tại Bangkok, Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản Tetsushi Sakamoto đã khẳng định thủy sản Nhật Bản đủ an toàn để tiêu thụ và mong muốn mở rộng thị trường tại Thái Lan.
Nhờ sự sức tiêu thụ bùng nổ của thực phẩm Nhật Bản ở Thái Lan, các nhà phân tích tin rằng Nhật Bản sẽ đáp ứng mục tiêu xuất khẩu sò điệp năm 2024 cho quốc gia Đông Nam Á này, trong khi nhiều chuyên gia đề xuất đặt “mục tiêu tham vọng hơn” trong những năm tới.
“Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu thủy sản sang Thái Lan vì ngày càng có nhiều người Thái đến Nhật Bản, một phần do đồng yên yếu và yêu thích ẩm thực Nhật Bản. Sò điệp được đón nhận nồng nhiệt, vì chúng cũng có thể được sử dụng trong các món ăn Trung Quốc và Italy”, Seiya Sukegawa, giáo sư kinh tế châu Á tại Đại học Kokushikan ở Tokyo cho biết.
Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản năm 2023, số lượng nhà hàng Nhật Bản tại Thái Lan đã tăng 1,9 lần, lên 5.751 nhà hàng, so với năm 2018.
Để duy trì sự tăng trưởng bền vững, ông Sukegawa đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu kỹ lưỡng chế độ ăn uống của người Thái Lan để có thể thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường địa phương.
Trong số các sáng kiến khác, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Houston cũng đã khởi động một “nền tảng hỗ trợ xuất khẩu” tại thành phố hồi tháng 12/2023 để thúc đẩy các lô hàng nông sản và hải sản Nhật Bản, cũng như quảng bá ẩm thực Nhật Bản ở Texas, thị trường lớn thứ hai ở Mỹ.
Theo các quan chức Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, các công ty nước này cũng đã bắt đầu vận chuyển các sản phẩm thủy sản tươi sống đến bang Colorado, một thị trường mới đối với thủy sản Nhật Bản ở Mỹ, bằng dịch vụ vận tải hàng không của United Airlines.
“Tôi không nghĩ rằng động thái cấm thủy sản Nhật Bản của Trung Quốc là hiệu quả và thành công trên trường quốc tế. Năm 2023, Trung Quốc cáo buộc Nhật Bản xả thải ra biển trong các cuộc họp của ASEAN, nhưng không nhiều thành viên ASEAN bị thuyết phục bởi lập luận của Trung Quốc”, ông Kei Koga, phó giáo sư về an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết.
Ông Koga cũng kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida duy trì minh bạch thông tin liên quan đến việc xả nước thải đã qua xử lý ra biển và chủ động chia sẻ những thông tin đó với các bằng chứng khoa học được quốc tế công nhận.
Nguồn: Nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/nhat-ban-day-manh-xuat-khau-thuy-san-sang-dong-nam-a-va-my-d390464.html