Thông tin trên khiến người viết bài này không khỏi giật mình bởi nỗi ám ảnh trồng – chặt có thể trở lại.
Trong nhiều năm qua, điệp khúc trồng rồi chặt vẫn diễn ra ở khắp nơi chứ không riêng gì Đắk Lắk.
Việc canh tác “chạy theo đuôi thị trường” khiến tình trạng đua nhau trồng cây, đua nhau chặt cây mỗi khi một loại nông sản nào đó tăng giá vẫn tiếp diễn mãi chưa có hồi kết.
Giật mình là bởi đối với những loại cây trồng ngắn ngày thì tạm chấp nhận được, nhưng đối với các loại cây công nghiệp dài ngày thì hậu quả của điệp khúc này là rất lớn do chu kỳ phát triển dài, kéo theo mức đầu tư là khá lớn.
Đơn cử như cây mắc ca, nếu trồng từ cây thực sinh (tức là cây trồng từ hạt) thì phải 6 – 7 năm hoặc lâu hơn nữa cây mới ra hoa.
Nếu trồng từ cây ghép thì mất 3 – 4 năm mới ra bói. Đến năm thứ 6, cây bắt đầu cho nhiều quả. Còn từ năm thứ 10 trở đi, cây mới cho năng suất ổn định 20 – 30 kg/cây/năm, nếu chăm sóc tốt, cây còn cho năng suất cao hơn.
Như vậy, để có được cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế, người nông dân sẽ phải bỏ thời gian, công sức, chi phí rất lớn. Thế nhưng, khi giá sầu riêng “lên ngôi”, họ cũng sẵn sàng chặt bỏ.
Tiêu là loại cây công nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung cũng từng lâm vào tình trạng trồng – chặt. Ảnh: Minh Thuận.
Không chỉ với cây mắc ca, nhiều loại cây công nghiệp chủ lực của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng như cà phê, tiêu… cũng từng lâm vào tình trạng trên.
Khi giá nông sản khác tăng, một số chủ vườn đã chặt bỏ cà phê, tiêu hoặc bỏ bê không chăm sóc khiến nhiều vườn cây xơ xác hoặc vườn chỉ mãi có cây con. Không ít nông dân đã điêu đứng khi chặt xong, giá lại tăng hoặc khi cho thu hoạch thì sản phẩm lại rớt giá.
Càng giật mình hơn nữa khi theo các nhà quản lý, diện tích trồng cây sầu riêng của Đắk Lắk đang tăng trưởng rất “nóng”, nhiều vùng có diện tích đã vượt xa quy hoạch. Cùng với đó là liên tiếp xuất hiện những thông tin không tốt về việc tiêu thụ sầu riêng những ngày gần đây càng khiến nhiều người lo lắng.
Về lý thuyết, để tạo dựng, phát triển nông nghiệp bền vững thì phải có vùng trồng bền vững. Đồng thời, phải xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các mặt hàng nông sản.
Nhưng cứ với cái kiểu “chạy theo đuôi thị trường” như hiện nay, giải quyết được câu chuyện bền vững là rất khó cho tất cả các bên.
Cơ quan quản lý thì “đau đầu” với công tác quy hoạch, phá vỡ quy hoạch; doanh nghiệp thì không có vùng nguyên liệu ổn định; người nông dân lại luôn đối mặt với nguy cơ thiệt hại nặng do biến động giá của thị trường…
Để giải quyết tình trạng trồng – chặt thì yếu tố tiên quyết vẫn là làm sao cho người nông dân có được thu nhập tốt nhất trên mảnh đất của họ, bất chấp biến động của thị trường.
Để giải bài toán này cần có quyết tâm rất lớn, sự chung tay của tất cả các thành tố trong chuỗi từ sản xuất đến thương mại sản phẩm. Qua đó, xây dựng được chuỗi liên kết đủ mạnh để có thể “cầm trịch” thị trường hoặc tối thiểu cũng phải đứng vững mỗi khi thị trường có bất trắc.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đối với nông nghiệp sát sườn hơn nữa thông qua việc hỗ trợ giám sát quá trình sản xuất, phân phối, chế biến, tìm thị trường xuất khẩu. Đồng thời, sớm nghiên cứu xây dựng các quỹ bảo hiểm, trợ giá cho một số nông sản chủ lực để kịp thời hỗ trợ nông dân khi họ đối mặt với rủi ro do thiên tai, biến động thị trường…
Có như vậy, người nông dân mới có thể yên tâm gắn bó với cây trồng mình đã chọn, mới hy vọng hạn chế được tình trạng trồng – chặt như hiện nay.
Nguồn: Dân việt
https://danviet.vn/phat-sot-voi-chuyen-trong-chat-tit-mu-o-dak-lak-ro-chat-cay-mac-ca-trong-cay-sau-rieng-tien-ty-20240829165517184.htm