CPI tháng 2/2024: 9/11 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá tăng Đâu là nguyên nhân khiến CPI quý I/2024 tăng 3,77%? |
Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08%
Tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội quý II/2024 và 6 tháng đầu năm 2024 được tổ chức vào sáng 29/6, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: So với tháng 12/2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 1,4%, và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%.
CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với quý II/2023. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương, giá dịch vụ y tế của một số tỉnh, thành phố được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 1,4% so với tháng 12/2023, tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo nhận định của đại diện Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, CPI các tháng đầu năm nay có xu hướng tăng, giảm đan xen theo quy luật tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, tháng 1/2024, CPI tăng 0,31% do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu.
Sang tháng 2/2024, CPI tăng cao nhất 1,04% do là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao, giá gạo, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới.
Tháng 3/2024, CPI giảm 0,23% do nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Từ tháng 4/2024 đến tháng 6/2024, CPI liên tục tăng lần lượt là 0,07%, 0,05% và 0,17% chủ yếu do giá xăng dầu, thịt lợn và điện sinh hoạt tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,23% so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm trước, khác với xu hướng của năm 2023, CPI các tháng nửa đầu năm 2024 có xu hướng tăng. Từ mức 3,37% trong tháng 1/2024 lên mức cao nhất 4,44% vào tháng 5/2024. Sang tháng 6/2024, CPI bắt đầu theo xu hướng tăng chậm lại, mức tăng còn 4,34%. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê nhận định, CPI các tháng nửa đầu năm 2024 có xu hướng tăng |
Đâu là nguyên nhân khiến CPI 6 tháng đầu năm tăng?
Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI 6 tháng đầu năm tăng được đại diện Tổng cục Thống kê giải thích là do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tăng mức học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế. Ngoài ra, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng giá do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm Chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 1,34 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá: Nhóm lương thực tăng 15,76%, tác động làm CPI tăng 0,58 điểm phần trăm, trong đó giá gạo tăng 20,98% theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết, làm CPI chung tăng 0,53 điểm phần trăm; Nhóm thực phẩm tăng 2,05%, làm CPI chung tăng 0,44 điểm phần trăm; Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4,13%, làm CPI chung tăng 0,36 điểm phần trăm do nhu cầu tăng cùng với giá nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công tăng.
Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,95%, tác động làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 9,45% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023 làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt bình quân 6 tháng tăng 10,15% so với cùng kỳ năm trước; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,87%. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,53 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%, tác động làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Bên cạnh yếu tố làm tăng CPI 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ những yếu tố làm giảm CPI 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông 6 tháng đầu năm 2024 giảm 1,41% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.
Nguồn: Báo công thương
https://congthuong.vn/tang-hoc-phi-dich-vu-y-te-la-nhung-nguyen-nhan-lam-tang-cpi-6-thang-dau-nam-329009.html