9 tháng năm 2024, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng hơn 2 lần Việt Nam hiện đứng thứ 5 về xuất khẩu chè |
Xuất khẩu chè tăng trở lại
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 10/2024 tăng trở lại, đạt 14,47 nghìn tấn, trị giá 26,29 triệu USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 13,7% về trị giá so với tháng 9/2024; tăng 20,2% về lượng và tăng 19,9% về trị giá so với tháng 10/2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 10/2024 đạt 1.817 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 9/2024, nhưng giảm nhẹ 0,3% so với tháng 10/2023.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, với sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: Hiệp hội Chè Việt Nam |
Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 120,31 nghìn tấn, trị giá 211,93 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu trong 10 tháng năm 2024 đạt 1.762 USD/tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè sang các thị trường chính tăng so với cùng kỳ năm 2023: Pakistan tăng 17,6% về lượng và tăng 27,2% về trị giá, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tăng 2,5% về lượng và tăng 6,7% về trị giá, Trung Quốc tăng mạnh 249,5% về lượng và tăng 114,5% về trị giá, Indonesia tăng 56,2% về lượng và tăng 60,3% về trị giá… Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Iraq giảm mạnh 49,5% về lượng và giảm 46,3% về trị giá.
10 tháng năm 2024, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng chè của Việt Nam, chiếm tới 34,7% tổng lượng và 41,2% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước; tiếp đến là thị trường Đài Loan chiếm 10,3% về lượng và 10,1% về kim ngạch.
Đáng chú ý, 10 tháng năm 2024, tỷ trọng xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh, chiếm 9,5% tổng lượng và 7,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam (cùng kỳ năm 2023 chiếm 3,5% trong tổng lượng và 4,7% trong tổng kim ngạch).
Tư duy sản xuất cần gắn với nhu cầu thị trường
Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, với sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù đạt kết quả xuất khẩu khả quan, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giá bán chè Việt Nam hiện vẫn đang ở mức thấp, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70 – 75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.
Giải thích rõ ràng hơn về giá chè, ông Hoàng Vĩnh Long – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam – cho rằng, nhìn ở mức chung, chè Việt Nam xuất khẩu có giá rẻ nhưng vẫn cao hơn giá thế giới.
“Thế giới nhìn nhận thị trường chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, làm mới mình mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đó là lí do vì sao, chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới”, ông Hoàng Vĩnh Long nói.
Cũng theo ông Hoàng Vĩnh Long, mảng nội tiêu chúng ta làm rất tốt, như tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La. Ở Thái Nguyên có loại chè bán thấp nhất ở giá bình quân 7 USD/kg, nhưng cũng có loại chè bán với giá khoảng hơn 20 USD. Như vậy, hòa chung giá xuất khẩu và giá nội tiêu, giá chè trung bình cả nước ở khoảng 14 USD/kg.
Hiện nay, có nhiều nhà máy nhỏ chắp vá đang rơi vào bẫy giá rẻ do thời gian dài chưa có đổi mới. Để khắc phụ hiện trạng này, cần tập trung liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, chính quyền địa phương. Tất cả cần vào cuộc để khai thác tiềm năng, bỏ tư duy “dìm giá”, phân tán thị trường.
Là đơn vị xuất khẩu chè lớn của cả nước, ông Đoàn Anh Tuân – Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới – cho hay, hiện công ty đang tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, nâng cao công nghệ sản xuất túi lọc, đảm bảo công nghệ sản xuất chất lượng cao nhất. Đặc biệt là nói không với các chất bảo vệ thực vật không được phép.
Bên cạnh việc sản xuất chè theo cách truyền thống, doanh nghiệp tin rằng, một số sản phẩm phụ trợ như làm bột matcha… ngày càng được thị trường đón nhận. Điều này đặt ra những vấn đề về tư duy sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.
Song hành với đầu tư công nghệ, ông Tuân dự kiến sẽ phát triển các sản phẩm như du lịch sinh thái tại các vùng trồng chè. Ông tin rằng, Việt Nam có nhiều sản phẩm độc đáo như chè sen được ướp độc đáo và tinh tế, đủ khả năng đưa lên tầm quốc bảo với giá trị cao hơn.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, để nâng cao giá trị chè xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Mạnh – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho rằng, bên cạnh việc phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, việc đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số là cần thiết. Bên cạnh đó, các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị ngành chè.
Nguồn: Báo công thương
https://congthuong.vn/xuat-khau-che-tu-duy-san-xuat-can-gan-voi-nhu-cau-thi-truong-359247.html