Sáng 23/7, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Tọa đàm: Đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, cơ hội nào cho nông dân, doanh nghiệp?.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 của Việt Nam dự kiến đạt khoảng trên 3 tỷ USD; riêng 6 tháng đầu năm giá trị đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 40%.
Mặc dù 6 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu sầu riêng thuận lợi, được giá, tuy nhiên, theo ông Nguyên, thời gian qua, lợi dụng sầu riêng “được mùa, được giá”, nhiều nhà vườn đã móc nối với thợ gõ sầu riêng để bán trái non, dù trọng lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến chất lượng của sầu riêng và hình ảnh nông sản Việt.
Để ngặn chặn tình trạng này, ông Nguyên cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, quá trình thu hái và dư lượng thuốc BVTV trước khi xuất khẩu.
“Làm gì thì làm, đòi hỏi chất lượng là quan trọng nhất. Công việc thu hoạch sầu riêng hiện phụ thuộc chủ yếu vào thương lái và những người làm nghề thu hoạch sầu. Cần có giải pháp nâng cao sự hiểu biết, trình độ, ý thức nghề nghiệp của những đối tượng này”, ông Nguyên nói.
Từng có thời gian làm việc với các nhà vườn và doanh nghiệp Thái Lan, bà Phan Thị Mến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ Sutech cho hay, nông dân cắt sầu riêng non có thể bị bắt, nếu mã số vùng trồng vi phạm nhiều lần, người chịu trách nhiệm có thể phải ngồi tù.
Bà Mến chia sẻ, ngoài mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, Thái Lan chú trọng tới độ già của trái sầu riêng xuất khẩu. Thái Lan đã quy định độ khô tối thiểu với trái sầu riêng xuất khẩu là 32%. Tuy nhiên năm 2023, sau khi sầu riêng Việt Nam xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc, Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn về độ khô lên 35% và đang hướng tới mục tiêu 37%.
“Chúng ta nên học họ cách kiểm soát tiêu chuẩn này. Bởi vì khi trái sầu riêng đạt được độ khô tối thiểu quả mới đạt được độ chín, độ ngọt, sầu mới ăn được”, bà Mến nhấn mạnh và kiến nghị cần phải có chế tài để nông dân, thương lái luôn phải thu hoạch sầu riêng đủ già, ai thu hoạch sầu riêng non cần bị xử phạt.
Bà Mến dẫn chứng tại Thái Lan, luật rất răn đe tất cả những bên tham gia vào chuỗi liên kết đều sợ. Ví dụ chỉ cần một nông dân cắt sầu non có thể bị bắt, nếu mã số vùng trồng vi phạm nhiều lần người chịu trách nhiệm có thể phải ngồi tù.
“Ở Việt Nam chúng tôi chưa thực hiện công tác tư vấn xong thương lái đã vào vườn đặt cọc rồi. Đến khi thu hoạch, chỉ cần chênh nhau giá một chút thôi, người dân đã bỏ cọc để bán cho người khác rồi. Bởi vậy, rất cần vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, trọng tài để đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp. Còn nếu cứ để như hiện nay, mức độ rủi ro sẽ cao hơn”, bà Mến nói.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, từ khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, phía Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện để cấp cho hơn 700 mã số vùng trồng, gần 200 cơ sở đóng gói.
Tuy nhiên, vấn đề vi phạm về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; vi phạm về mặt kỹ thuật chưa đạt được các yêu cầu của nước nhập khẩu. Vì vậy, chúng ta rất cần tư vấn của cơ quan quản lý Nhà nước để các nhà vườn, cơ sở đóng gói hoàn thiện những thiếu xót về mặt kỹ thuật, tạo điều kiện để họ có thể xuất khẩu trở lại.
Về việc mạo danh mã số vùng trồng, đây là một vấn đề hết sức quan trọng và có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của toàn bộ ngành xuất khẩu sầu riêng. Để giải quyết bài toán này cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Theo ông Hiếu, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã giao cho đơn vị chuyên môn tiếp nhận thông tin, xử lý đối với các đơn vị mạo danh. Đối với trường hợp mạo danh, cần phải có sự phát hiện sớm ngay từ trong nội địa và từ đó, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý mới hiệu quả.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đang xây dựng hệ thống dữ liệu, khuyến khích các địa phương tăng cường giám sát, tập huấn, yêu cầu các đơn vị tham gia phải tuân thủ quy định. Từ đó, đòi hỏi phải chịu trách nhiệm về những vùng, lô hàng không đảm bảo chất lượng.
“Các lô hàng không đảm bảo chất lượng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ yêu cầu tạm dừng và thu hồi mã số vùng trồng khi vi phạm. Đồng thời sẽ có những hướng dẫn để người dân đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và sẽ cấp mã số trở lại khi đạt yêu cầu, từ đó, sẽ hướng đến ngành hàng xuất khẩu sầu riêng bền vững hơn”, ông Hiếu cho hay.
Nguồn: Dân việt
https://danviet.vn/xuat-khau-sau-rieng-dat-13-ty-usd-nhung-van-con-hat-san-thay-gi-tu-cach-quan-ly-chat-luong-cua-thai-lan-20240723113118687.htm