Hàng sầu riêng đông lạnh khẩu được giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt
Việc Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của ngành hàng sầu riêng. ‘
Với nhu cầu lớn từ thị trường này, ngay trong năm 2024 Việt Nam có thể thu thêm 400 – 500 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Chưa kể, mặt hàng mới sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực thời vụ, sản lượng thu hoạch, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.
Mặc dù vậy, không phải ký xong Nghị định thư là sầu riêng đông lạnh bon bon lên cửa khẩu được ngay. Cũng như sầu riêng tươi, mặt hàng sầu riêng đông lạnh sẽ chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo Luật An toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Bóc múi sầu riêng để cấp đông tại một nhà máy ở huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: P.T.M
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), trong Nghị định thư nói trên, sầu riêng đông lạnh (Durio zibethinus) bao gồm quả sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), có nguồn gốc từ quả sầu riêng tươi, chín được trồng ở Việt Nam.
Sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải được lựa chọn bằng tay để loại bỏ những quả bị thối, hỏng và đảm bảo không chứa tạp chất kim loại lạ. Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Việt Nam.
Phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và giới thiệu các doanh nghiệp đủ điều kiện cho phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp đủ điều kiện phải được đăng ký với phía Trung Quốc. Chỉ sau khi đăng ký, doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc.
Vật liệu đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.
Trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế – “Quy phạm thực hành đối với chế biến và xử lý thực phẩm đông lạnh nhanh” (CAC/RCP 8-1976).
Như vậy, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.
Trao đổi với Dân Việt, bà Phan Thị Mến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Khoa Học và Công Nghệ SUTECH cho biết, tiêu chuẩn của sầu riêng cấp đông khắt khe hơn nhiều so với sầu riêng tươi, đòi hỏi nhà sản xuất phải tuân thủ tiêu chuẩn HACCP hoặc tương đương như ISO 22000:2018, BRC, FSCC 22000…
Cơ sở chế biến sầu riêng đông lạnh phải đảm bảo phòng, tránh được các mối nguy về vi sinh vật, nấm men, nấm mốc có trong nguyên liệu khi thu hoạch. Quá trình vận chuyển phải tuyệt đối an toàn, không gây úng, thối cho sản phẩm.
Đặc biệt, những mối nguy về dư lượng thuốc BVTV, dư lượng kim loại nặng… tồn dư trong quá trình canh tác phải được kiểm soát, phòng ngừa.
Quá trình tách múi, tách hạt, xay nhuyễn cấp đông cũng yêu cầu cao về việc quản lý, phòng ngừa mối nguy sinh học, hóa học và vật lý để sản phẩm không bị nhiễm vi khuẩn E.Coli, Salmonella…
Về nhà xưởng, theo bà Mến, nguyên tắc bố trí nhà xưởng phải đảm bảo một chiều, theo đó đường vào của nguyên liệu và đường ra của thành phẩm không cùng một đường để đảm bảo không bị lây nhiễm chéo.
“Đối với cơ sở đóng gói sầu riêng tươi, phía Trung Quốc quan tâm các biện pháp kiểm dịch 6 loài gây hại có trên trái tươi theo Nghị định thư, cơ sở đóng gói phải sử dụng các biện pháp vật lý để xử lý rệp như phụt, rửa, xử lý thủ công. Còn đối với cơ sở đóng gói sầu riêng cấp đông thì phải đảm bảo quy trình khép kín, chuẩn hóa từ nhân sự tham gia vào quá trình đến quá trình xử lý sản phẩm, ra thành phẩm” – bà Mến nói.
Cụ thể, trước khi tham gia vào quá trình sản xuất, công nhân phải thay đồ bảo hộ lao động (khẩu trang, mũ bảo hộ, găng tay, quần áo đã được khử khuẩn…), tránh để bụi bẩn, tóc, rơi vào sản phẩm.
Trong suốt quá trình sản xuất, người công nhân phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về điều kiện an toàn thực phẩm, nhận diện được các mối nguy và ngăn chặn mối nguy tiềm ẩn ở từng khâu trong quá trình sản xuất; có nhật ký, sổ sách ghi chép lịch sử lô hàng. Điều kiện đảm bảo kho lạnh phải theo quy định (-45) độ, làm lạnh sâu để giữ được giá trị của sản phẩm chế biến.
Mong sớm có hướng dẫn cụ thể về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh
Để hoạt động xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc phát triển bền vững, trong đó có mặt hàng sầu riêng cấp đông, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật) cho rằng, nhà sản xuất cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Trong đó, đặc biệt lưu ý 3 giai đoạn.
Thứ nhất là khâu chăm sóc sầu riêng từ khi ra hoa đến khi thu hoạch. Đây là lúc cần tuân thủ nghiêm ngặt Nghị định thư về kiểm dịch sản phẩm trái sầu riêng tươi đã ký với Trung Quốc như yêu cầu về hồ sơ, sổ sách ghi chép, danh mục thuốc BVTV, cách kiểm soát 6 loài sinh vật gây hại.
Ngoài ra, do Trung Quốc và Việt Nam cùng là thành viên WTO, cùng tham gia Hiệp định RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand), nên nhà sản xuất cũng cần tuân thủ những nội dung liên quan.
Giai đoạn thứ hai, theo ông Nam là từ khi thu hoạch đến lúc đưa về cơ sở đóng gói. Trong đó, ông Nam đặc biệt nhấn mạnh việc thu hoạch sầu riêng đúng độ tuổi (thường là khoảng 7,5 tuổi). Đây là chỉ tiêu rất quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng múi sầu riêng.
Trong bước này, các cơ sở đóng gói cần kiểm soát chặt chẽ việc phân loại trái sầu riêng theo yêu cầu của đối tác. Đối với trái sầu riêng tươi cần làm sạch bề mặt trái bằng nguồn nước vệ sinh, không bị lẫn đất, vỏ cây hay các tác nhân khác. Đặc biệt, tránh tác động vật lý vào phần vỏ và gai sầu riêng.
Giai đoạn cuối cùng là từ cơ sở đóng gói lên đến cửa khẩu. Do các vùng trồng sầu riêng chính của Việt Nam nằm tại Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ, cách Trung Quốc khoảng nửa tuần vận chuyển, nên việc bảo quản sầu riêng sau sơ chế ở nhiệt độ như thế nào sẽ quyết định tới độ tươi, ngon khi sang đến nước bạn.
Theo chuyên gia Văn phòng SPS, sầu riêng cần được giữ lạnh ở nhiệt độ từ 12-15 độ C trước khi vận chuyển để sầu riêng không bị thối, hư hỏng.
Ở góc độ đơn vị tư vấn xuất khẩu, bà Phan Thị Mến nói thêm: “Tôi cũng như các doanh nghiệp, HTX rất hân hoan khi Trung Quốc cho nhập chính ngạch sầu riêng cấp đông, bởi lâu nay chúng ta chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, trong khi nông sản có tính chất mùa vụ. Việc sản phẩm được chế biến như cấp đông, sấy thăng hoa… sẽ làm tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hình thức và thị trường”.
Tuy nhiên, bà Mến nhấn mạnh, về lâu dài, các doanh nghiệp trong ngành cần phải xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc nội bộ.
Có nghĩa là sẽ truy xuất được sản phẩm lô hàng này đến từ vùng trồng A hay B để nhằm kiểm soát chất lượng lô hàng (gồm nhật kí canh tác, lịch sử chăm sóc, quá trình bón phân, sử dụng thuốc…). Trên cơ sở đó cơ quan quản lý nhà nước cũng thuận tiện trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
“Cái khó của ngành sầu riêng hiện nay là làm thế nào có sự đồng thuận của cả chuỗi sản xuất, mọi người chung tay giải mã các thách thức của ngành sầu riêng. Chỉ cần làm ăn chuẩn, sản phẩm trái cây được quản lý chặt chẽ, ai cũng làm đúng thì chúng ta không cần sợ Thái Lan cạnh tranh, mà ngược lại Thái Lan mới “phải sợ”. Bởi trái cây của Việt Nam có quá nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu; vì thế có thể giống sầu riêng có nguồn gốc ở Thái Lan, nhưng khi trồng ở Việt Nam thì cho chất lượng quá tốt”.
Bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu
Về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, anh Trình Đình Đức – Phó Giám đốc Công ty THNN Đức Huệ Lâm Đồng cho rằng Trung Quốc sẽ có yêu cầu cao hơn so với sầu riêng quả tươi, quan trọng nhất là phải có đơn hàng thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ đáp ứng được.
“Hàng sầu riêng đông lạnh Thái Lan đã được cấp phép đi chính ngạch vào Trung Quốc từ lâu, vì vậy với sầu riêng Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng họ cũng sẽ áp dụng các tiêu chí tương tự” – anh Đức phân tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết, đến nay ngành nông nghiệp Lâm Đồng chưa nhận được các văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ NNPTNT về việc xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc. Tuy nhiên, địa phương vẫn tuyên truyền để người dân sản xuất, trồng sầu riêng theo hướng an toàn, theo đúng mã số vùng trồng cũng như quy hoạch cây trồng của địa phương.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Châu, sau khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ NNPTNT thì địa phương sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sầu riêng theo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu từ phía Trung Quốc. Từ đó, tăng giá trị xuất khẩu sầu riêng cho Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay trên địa bàn có 23 doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua sầu riêng để cung ứng cho thị trường ăn trái tươi, chiếm 88,8% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh, tương đương với 110.042 tấn sầu riêng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng dần chuyển sang chế biến dạng bóc múi và cấp đông với công suất 13.932 tấn quả tươi/năm (chiếm 11,2% tổng sản lượng sầu riêng toàn tỉnh).
Nguồn: Dân việt
https://danviet.vn/xuat-khau-sau-rieng-dong-lanh-viet-nam-sang-trung-quoc-hieu-dung-lam-dung-de-xuat-khau-trung-20240826154513401.htm