Thành phần cốt lõi tham gia và giúp đề án triển khai được thành công chính là sự hợp tác đồng thuận giữa người sản xuất và đơn vị doanh nghiệp tiêu thụ. Điều này cũng là một trong các tiêu chí thực hiện được đề cập trong đề án này.
Khi đề án được phê duyệt từ tháng 11/2023, đã có nhiều doanh nghiệp đi tiên phong trong liên kết với nông dân như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An,…
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổphần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết, thực hiện đề án cần các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, các đơn vị liên quan, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất lúa rõ ràng và tập trung.
Từ đó, địa phương, doanh nghiệp cùng đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến, kết nối các doanh nghiệp để hình thành chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu. Có như vậy, mới tăng khả năng chinh phục thị trường, ngành hàng lúa gạo sẽ phát triển hơn.
Khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất 1 triệu hecta lúa chất lượng cao này, Tập đoàn ThaiBinh Seed sẽ phát triển thêm các giống lúa mới, có thời gian sinh trưởng ngắn, nhưng khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, cho năng suất và chất lượng gạo ngon, vượt trội hơn nhiều giống đang có trên thị trường.
Không chỉ thực hiện riêng các chuỗi liên kết với nông dân trong đề án, ThaiBinh Seed còn liên kết ngang với doanh nghiệp khác trong cùng hệ thống để thực hiện bộ giải pháp kỹ thuật giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo đó, ThaiBinh Seed lập nhóm giải pháp giống kết hợp phân bón và quản lí dịch hại trên cây lúa với Công ty cổ phần phân bón Bình Điền bằng cách cung cấp sản phẩm và giải pháp về giống, nông dược, phân bón cho bà con nông dân thuộc phạm vi hỗ trợ của đề án.
Cùng với Tập đoàn ThaiBinh Seed, hiện cũng có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo chất lượng cao đồng hành cùng nông dân phát triển lúa gạo chất lượng cao bền vững. Theo đó, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An với 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo cũng đã tiên phong tham gia liên kết tiêu thụ cùng nông dân.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đánh giá, giá gạo Việt Nam khoảng 3 năm gần đây đứng cao nhất thế giới, nhiều thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Indonesia… chấp nhận mua gạo Việt Nam với giá cao. Điều này minh chứng chất lượng gạo Việt Nam đã thay đổi và được thế giới nhìn nhận tích cực.
Do đó, Trung An đã triển khai liên kết với nông dân và hợp tác xã ở 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ, với diện tích trên 10.000ha.
Ông Phạm Thái Bình cam kết sẽ đưa các quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính như ngập khô xen kẽ, tiết kiệm nước, giảm hóa chất trên đồng ruộng, tái thiết hệ thống kênh mương thủy lợi ở cánh đồng liên kết của Trung An.
Là một hợp tác xã đã có vùng nguyên liệu liên kết đến gần 770 ha, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Đông, xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất theo các tiêu chí an toàn, tiết kiệm, giảm phát thải trong nhiều năm qua.
Ông Lê Văn Chính, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Đông cho biết: Khi có đề án, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Đông mong muốn được tham gia vào đề án, bởi mối liên kết đã có. Đồng thời, Hợp tác xã Tân Đông áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm vật tư trong canh tác lúa.
Đồng thời, khi nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng sử dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học vào sản xuất và cùng tham gia vào đề án thì mô hình sẽ được nhân rộng. Nông dân được tuyên truyền hiểu về phát thải nhà kính để chủ động sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ, phế phẩm lúa gạo sau thu hoạch.
Thêm cơ chế thoáng cho gạo
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thải ra hơn 24 tấn rơm ra từ sản xuất lúa.
Tuy nhiên, chỉ có 30% trong tổng số này được thu gom và tái sử dụng theo phương thức tuần hoàn, 70% còn lại bị đốt hoặc vùi vào đồng ruộng, đóng góp vào 25% khí thải nhà kính gây tác động đến môi trường.
Chính vì điều này, đề án là giải pháp để sản xuất lúa Việt Nam tái sử dụng triệt để các phế phẩm từ lúa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang hướng ngành hàng lúa gạo Việt Nam dần chuyển sang kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trong tương lai. Với nguồn phế phẩm lớn từ ngành lúa gạo, Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp.
Trong đó, không chỉ làm phân hữu cơ từ rơm mà còn có các giải pháp khác để tận dụng nguồn phụ phẩm từ rơm như sử dụng rơm trồng nấm, làm thức ăn và đệm lót sinh học cho chăn nuôi gia súc, phân hữu cơ từ rơm, biochar và biosilica từ trấu… Đây là những giải pháp tiềm năng giúp nâng cao giá trị gia tăng của phụ phẩm lúa gạo, đồng thời tạo ra năng lượng sạch và bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ cho đề án này thực hiện suôn sẻ như hỗ trợ đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp – nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa.
Bên cạnh đó, người trồng lúa được hỗ trợ 50% lúa giống mới, phân bón, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa, từng bước nâng cao chất lượng hạt lúa, hướng đến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử như Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Green Farm, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Đây là hợp tác xã chuyên sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện. Mỗi hecta được hỗ trợ 50kg lúa giống ST25, 200kg phân bón và một số thuốc bảo vệ thực vật, tổng diện tích được hỗ trợ là 100ha.
Ông Nguyễn Văn Nhà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Green Farm cho biết: Vụ lúa vừa qua, Hợp tác xã Green Farm có 75 thành viên còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cụ thể theo quy trình hợp tác xã đưa ra. Đồng thời, toàn bộ sản lượng lúa sản xuất ra cũng được hợp tác xã bao tiêu thu mua.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, bên cạnh các nỗ lực từ phía các cơ quan Chính phủ nhằm phát triển các chính sách mở, tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, Việt Nam coi trọng vai trò tham gia và đồng hành của khu vực tư nhân, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, các địa phương đã có những nguồn lực tài chính và phi tài chính, điều cần làm hiện nay là tranh thủ nguồn lực đó, cùng với sự ủng hộ tại cơ sở để tăng cường tính liên kết của các hợp tác xã , đóng góp vào quá hỗ trợ nông dân sản xuất lúa chất lượng cao tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long triển khai đề án này.
Bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng, công trình thuỷ lợi hoàn chỉnh cho nông dân sản xuất lúa chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có kế hoạch đào tạo hơn 1 triệu lượt nhân lực nông dân, cán bộ nông nghiệp, cán bộ khuyến nông tham gia đề án.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn 2024 – 2025, đề án sẽ hoàn thành việc đào tạo, tập huấn cho gần 208.000 lượt người. Đến giai đoạn 2026 – 2030, đề án tiếp tục hoàn thành việc đào tạo, tập huấn cho trên 812.000 lượt người.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính tổng nguồn vốn thực hiện đề án khoảng 800 triệu USD từ các nguồn vốn: ngân sách; tín dụng, nguồn xã hội hoá; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn hợp pháp khác, trong đó nguồn vốn chính là từ nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay, vốn tín dụng và nguồn thu từ tín chỉ carbon.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thành Nam cũng cho hay, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ dành cho Việt Nam khoản vay 500 triệu USD để cùng nông dân thực hiện tốt sản xuất “một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp”.
Nguồn: vietnambiz
https://vietnambiz.vn/thuong-hieu-gao-chat-luong-cao-bai-cuoi-chuoi-lien-ket-ben-vung-202461614202637.htm