Top 3 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam 9 tháng năm 2024, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng hơn 2 lần |
Sáng 5/11, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) phối hợp tổ chức Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao.
Chè xuất khẩu phải đáp ứng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – thông tin, Việt Nam hiện đứng thứ 5 về xuất khẩu chè. Chè Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia trên thế giới. Sản phẩm chè Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước và vùng lãnh thổ, trong đó Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU là những thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 70% về lượng và hơn 70% về trị giá xuất khẩu.
Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 62 nghìn tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.710,0 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo ông Hòa, sản phẩm chè khi lưu thông cần đảm bảo các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm. Trong đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất chè phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có phương án quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.
Việc quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành. Đồng thời, công tác quản lý cần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép trên 260 thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ sâu, bệnh đối với cây chè. Với thành phẩm đầu ra, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm chè như: bifenthrin là 30 ppm, buprofezin là 30 ppm, chlorpyrifos là 2 ppm, clothianidin là 0,7 ppm.
Dư lượng kim loại nặng trên chè cũng được quy định chi tiết, như giới hạn ô nhiễm arsen là 1 ppm, ô nhiễm chì là 2 ppm, ô nhiễm thủy ngân là 0,05 ppm.
Theo ông Hòa, quy định về chè của các nước nhập khẩu có một số điều khác nhau. Ví dụ về thị trường Pakistan, chè Việt Nam xuất đi quốc gia này ngoài đáp ứng tiêu chuẩn Codex, ISO, còn phải có chứng nhận Halal. Bên cạnh đó, phải đảm bảo thời hạn sử dụng của sản phẩm còn ít nhất 50% thời hạn sử dụng ban đầu tại thời điểm nhập khẩu.
“Pakistan thường tuân thủ các quy tắc và hướng dẫn của Codex về giới hạn dư lượng tối đa (MRL) của thuốc bảo vệ thực vật, các chất gây ô nhiễm khác và các chất phụ gia trong thực phẩm. Tuy nhiên, Pakistan không có hệ thống thực thi MRL của thuốc bảo vệ thực vật và các chất gây ô nhiễm khác trong thực phẩm sản xuất trong nước”, ông Hòa chia sẻ.
Cần nâng cao chất lượng chè
Cây chè là một trong những giống cây nội địa, được phát triển thành cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, chính vì vậy, ông Nguyễn Quốc Mạnh – Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho rằng, việc phát triển cây chè là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành nông nghiệp, để ngành chè phát huy tương xứng với “cái nôi” của nó.
Thị trường chè Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Ông Mạnh cho biết, sản lượng chè trong giai đoạn này có xu hướng tăng dù diện tích giảm nhẹ, bởi năng suất tăng. Cụ thể, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại hai vùng là vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỉ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.
“Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng – tương đương với 325 triệu USD. Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn. Như vậy, làm thế nào để nâng cao giá trị xuất khẩu là thách thức với ngành chè Việt Nam trong thời gian tới”, ông Mạnh cho biết.
Cho đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau với sản phẩm chè chủ yếu là chè đen và chè xanh. Tuy nhiên, giá trị thành phẩm chè của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 70-75% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.
Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2023. Riêng đối với cây chè, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chuyển đổi khoảng 70% diện tích sang các giống chè mới. Trong đó khoảng 50% diện tích sẽ dành cho chè xanh chất lượng cao, chè Olong và các loại chè chất lượng cao khác chiếm khoảng 20%.
Việt Nam có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp cho ngành chè phát triển, với những thương hiệu chè nổi tiếng như: Shan tuyết (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), chè B’lao, Ô long Cầu Đất (Lâm Đồng)… Ngành chè thu hút lực lượng lao động lớn với hơn 6 triệu người từ 34 tỉnh thành. Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các thị trường như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia…
Tuy nhiên, để ngành chè Việt Nam thực sự bứt phá về chất lượng và sản lượng, cần có những giải pháp mang tính hệ thống về quản lý chất lượng. Để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, ông Nguyễn Quốc Mạnh khuyến nghị, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến nhằm gia tăng giá trị. Liên kết các vùng chè đặc sản với chương trình OCOP và phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất chè an toàn và liên kết tiêu thụ cần được đẩy mạnh, cùng với nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chứng nhận chất lượng như Utz Certified, RFA. Nâng cao năng lực chế biến cũng là một giải pháp thiết yếu.
Về khoa học kỹ thuật, cần đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, phát triển các sản phẩm chè đa dạng như chè Oolong, matcha và nước uống đóng chai từ chè. Các kỹ thuật trồng trọt an toàn, sử dụng phân hữu cơ và phương pháp phòng trừ sâu bệnh IPM cũng cần được triển khai rộng rãi.
Trong lĩnh vực thị trường và xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Quốc Mạnh đề xuất đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số như ngân hàng xanh, tín dụng xanh là cần thiết. Các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết vùng sản xuất với hệ thống phân phối và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị ngành chè.
Nguồn: Báo công thương
https://congthuong.vn/viet-nam-hien-dung-thu-5-ve-xuat-khau-che-356858.html